Một số hiểu lầm thường gặp

Trong quá trình nuôi con nói chung và cho bé ăn dặm nói riêng, mỗi dân tộc vào mỗi thời điểm khác nhau lại có những nguyên tắc riêng. Việc cho bé ăn gì, vào thời điểm nào và ăn bao nhiêu là một câu hỏi có nhiều đáp án, vì ngoài vấn đề khoa học ra thì điều này còn phụ thuộc vào thói quen hay rộng hơn là văn hóa, vào điều kiện sống và cả cơ địa, sở thích của từng cá nhân. Rất khó để đánh giá thế nào là chuẩn. Chỉ có điều, những nước phát triển thường xuyên đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức để tìm ra những cái mới giúp cho đời sống và sức khỏe của con người tốt lên. Vì vậy, những giá trị, quan điểm cũ thường xuyên được thay thế, làm mới. Những gì đúng hôm nay không chắc là sẽ vẫn đúng mai sau, song nhiệm vụ và cả quyền lợi của mỗi người chúng ta là làm những gì tốt nhất có thể cho con cái, bằng cách cập nhật những điều mới nhất hiện có. Việc áp dụng đến đâu và như thế nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Song có một điều chắc chắn, nếu có thông tin chính xác, mọi chọn lựa sẽ dễ dàng và đúng hướng hơn.

Trong khuôn khổ bài viết này, HA muốn đề cập đến một vài quan điểm sai lầm thường gặp trong việc cho ăn dặm của người VN nói riêng và châu Á nói chung mà HA không phải ngoại lệ. Đây cũng là những khác biệt quan trọng trong cách ăn dặm của Tây và của ta. Mọi người cùng tham khảo nhé !

1.      Nêm gia vị trong thức ăn của trẻ dưới 1 tuổi 

Đầu tiên cần phân biệt rõ 2 loại gia vị : Một là các thứ làm tăng các vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng như muối, đường, ớt, tiêu… ; và hai là các thứ làm tăng mùi thơm như hành, tỏi, nghệ, gừng…

Khoa học hiện nay khuyên hạn chế sử dụng các thứ làm tăng vị khi chuẩn bị đồ ăn cho trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là muối và đường dưới mọi hình thức, kể cả nước mắm, hạt nêm, bột canh, sirop, mật ong, mật mía… Thực ra trong sản phẩm tự nhiên đã có sẵn một lượng muối (ngũ cốc, thịt trứng, cá, rau …) và đường (ngũ cốc, hoa quả) nhất định. Trẻ dưới 1 tuổi chỉ cần 1 g muối/ngày và nhu cầu này hoàn toàn có thể được đáp ứng bằng nguồn thực phẩm tự nhiên. Việc hấp thụ quá nhiều muối sẽ làm hại đến thận, não bộ, tăng nguy cơ huyết áp và tim mạch trong tương lai. Còn hấp thụ nhiều đường sẽ không có lợi cho hàm răng của bé, tăng nguy cơ tiểu đường, béo phì về sau. Các loại gia vị khác như tiêu, me, mẻ… có thể sử dụng một cách có chừng mực. Riêng các loại rau cỏ làm tăng mùi thơm kể trên lại được khuyến khích sử dụng khi làm thành món hoàn chỉnh, sau khi bé đã nếm thử từng loại thức ăn nguyên chất. Như vậy giúp bé mở rộng khả năng cảm nhận mùi vị thức ăn.

Ngoài yếu tố sức khỏe thì việc ăn nhạt còn có thêm một lợi ích nữa, đó là cho bé biết mùi vị tự nhiên của thực phẩm. Ẩm thực của châu Á nói chung thường nhiều gia vị, tuy thơm ngon nhưng hay làm lu mờ mùi vị thực sự của thức ăn. Người phương Tây, nhất là châu Âu thường ăn nhạt nên lưỡi họ rất tinh tế trong việc nhận biết thức ăn có tươi ngon hay không, gia vị có gì đặc biệt. Nhờ thế, họ có thể thưởng thức đồ ăn trọn vẹn hơn.

Khi làm đồ ăn dặm cho bé, việc không nêm mắm muối có vẻ không dễ lắm ban đầu vì người lớn, nhất là người châu Á quen ăn có gia vị. Nhưng vì em bé chưa ăn gì ngoài sữa, chưa có khái niệm mặn nhạt nên sẽ thích ứng rất tốt. Hơn nữa, khẩu vị của người lớn và trẻ con rất khác nhau. Có những món mình ăn thấy ngon nhưng bé lại không thích và ngược lại. Rồi mọi người sẽ phải ngạc nhiên về khẩu vị của con cho mà xem! Nên nhớ tập ăn mặn lên thì dễ nhưng tập ăn nhạt đi thì rất khó. Vì vậy đây là dịp tốt để cho bé được biết mùi vị nguyên thủy của từng loại thực phẩm.

Khi chọn mua ngũ cốc và thức ăn đóng hộp hay đông lạnh cho con, mọi người nhớ đọc kỹ thành phần để đảm bảo không có muối, đường. Chú ý : Muối không nhất thiết tồn tại dưới tên gọi SALT mà có thể dưới các tên hóa học như sodium nitrate, sodium benzoate saccharin, and monosodium glutamate. Phải cẩn thận với từ “sodium”. Một số thực phẩm chế biến như các loại nước sốt, thịt nguội, khoai tây chiên … thường chứa nhiều muối nên cần hạn chế cho bé sử dụng. Tương tự, ngoài SUGAR ra thì tất cả các thứ kết thức bằng «-ose » như lactose, glucose, fructose, sucrose hay sirup hay bắt đầu bằng « malt- » đều chỉ cùng một loại. Tuyệt đối tránh chất làm ngọt nhân tạo (sweeteners) có nhiều trong nước ngọt và một số loại sữa chua, kem. Các chất này tồn tại dưới các tên gọi sau : acesulfame k, aspartame, saccharin hay sorbitol.

Tất nhiên, cũng không nên quá cứng nhắc, cái gì cũng chỉ có tính tương đối mà thôi. Vì đường và muối là thành phần có sẵn trong tự nhiên và đặc biệt quan trọng với cơ thể con người, việc lạm dụng nó cho trẻ nhỏ là không nên nhưng cũng không đến nỗi tuyệt đối cấm, nhất là khi bé tiến dần đến 1 tuổi. Thỉnh thoảng cho một giọt nước mắm vào bát cháo trứng cho bớt tanh, một tí tẹo đường vào sốt cà chua cho đỡ xẳng thì cũng không phải là vấn đề quá quá lớn. Miễn rất thỉnh thoảng (1 tháng 1-2 lần) thì vẫn ok.

Khi cho Chíp ăn dặm, HA quyết định giới thiệu từng loại thức ăn mới riêng biệt, không thêm bất kỳ loại gia vị gì. Khi nào ăn được hết các nguyên liệu thành phần, vào khoảng tháng thứ 9, HA sẽ làm thành món hoàn chỉnh tương đối cầu kỳ, lúc đó bắt đầu kết hợp với các loại gia vị, chủ yếu các thứ làm tăng mùi thơm, hạn chế tối đa muối và đường. Sau 1 tuổi sẽ dần dần cho Chíp ăn giống người lớn, cả món Âu và Á, tất nhiên nhạt hơn nhiều.

2. Đồ hộp và đồ đông lạnh không tốt cho sức khỏe

Người VN mình rất có thành kiến với đồ hộp, đồ đông lạnh. Chỉ cần nghe đến tên các thứ này đã lập tức nghĩ đến chuyện nguyên liệu không tươi ngon, thức ăn mất hết dinh dưỡng, chứa nhiều chất bảo quản có hại. Còn người sử dụng chúng là những kẻ lười biếng, ăn uống không khoa học, điều độ, là đối tượng của mọi bệnh tật. Điều này có nguyên do của nó, khi mà công nghệ chế biến, bảo quản của VN trước đây còn tương đối lạc hậu, vấn đề kiểm tra an toàn chưa được sát sao thì sản phẩm đầu ra không thể đảm bảo chất lượng. Văn hóa và thói quen của người Việt, như đã nói ở trên, cũng thiên về chế biến và sử dụng thực phẩm tại chỗ.

Trước đây khi ở VN, HA cũng có suy nghĩ tương tự, song sau gần 10 năm sống ở nước ngoài thì tư tưởng đã có nhiều thay đổi. Nhìn thấy người dân ở những nước phát triển như Mỹ, Canada và châu Âu rất hay dùng đồ hộp và đồ đông lạnh, HA tự hỏi tại sao các sản phẩm này lại được ưa chuộng như vậy? Ngoài vấn đề tiện lợi ra còn có những ưu điểm nào khác? Liệu có gì nguy hiểm, độc hại như mình vẫn nghĩ hay không? Thành phần dinh dưỡng liệu có thực sự biến đổi? HA vẫn luôn có một suy nghĩ lớn tồn tại trong đầu: Ở những nước văn minh, tiến bộ hơn ta vài chục năm, nơi mà yếu tố con người là quan trọng bậc nhất, người ta đầu tư không biết bao nhiêu tiền bạc và công sức để nghiên cứu những cái mới giúp nâng cao chất lượng sống của nhân loại, lẽ nào họ lại đánh đổi sức khỏe của chính mình chỉ vì chữ “lười” và chữ “tiện”???

Lời giải đáp quả thực không làm mình thất vọng. Đồ đông lạnh, đồ hộp nói chung và đặc biệt thức ăn dành cho trẻ em (rau quả nghiền, món ăn làm sẵn, ngũ cốc đóng hộp) nói riêng ở bên này luôn trải qua quá trình sản xuất hết sức nghiêm ngặt từ nguồn nguyên liệu (thậm chí là từ khâu nuôi trồng), đến chế biến, sau đó là bảo quản và phân phối, làm sao để sản phẩm tốt nhất có thể.

–        Vấn đề an toàn:

Đầu tiên, đồ hộp và đồ đông lạnh an toàn 100% về vi khuẩn.

Tiếp theo, đồ đông lạnh không có hóa chất vì bản thân đông lạnh đã là một phương thức bảo quản. Đồ hộp có thể có chất bảo quản hoặc không.

Nên hiểu không phải cứ có hóa chất là xấu, là không an toàn. Quan trọng là chất gì, liều lượng bao nhiêu? Điều này đã được nghiên cứu, thử nghiệm rất kỹ lưỡng trước khi đưa vào sử dụng. Việc kiểm tra đã có các cơ quan chức năng đảm trách. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới hiện nay, rất nhiều sản phẩm trên thị trường, đặc biệt là thức ăn dành cho trẻ em hoàn toàn không có hóa chất (đọc thành phần sẽ rõ). Có người sẽ hỏi, thực phẩm để ngoài vài hôm đã hỏng, nếu không có hóa chất làm sao bảo quản năm này sang năm khác được? Câu trả lời là có nhiều công nghệ mới thay thế chất bảo quản như: tiệt trùng bằng tia hồng ngoại và cực tím, thanh trùng bằng nhiệt độ, hút chân không …

Vi khuẩn muốn phát triển được cần có rất nhiều yếu tố như: nước, không khí, nhiệt độ và thức ăn. Chỉ cần hạn chế một trong các yếu tố trên đã có thể ngăn chặn sự phát triển của chúng. Vì thế, để bảo quản thức ăn cũng có rất nhiều cách chứ không nhất thiết phải dùng chất bảo quản.

–        Vấn đề dinh dưỡng:

Đa số mọi người, không chỉ VN mà thậm chí đến 60% người Mỹ, tin rằng đồ tươi giàu dinh dưỡng hơn đồ hộp, đồ đông lạnh. Quan niệm này không hoàn toàn đúng. Có một điều quan trọng nên biết, chất dinh dưỡng chủ yếu mất đi trong quá trình bảo quản ở nhiệt độ thường và quá trình chế biến. Việc đóng hộp, và nhất là đông lạnh bản thân nó không làm mất giá trị dinh dưỡng. Ngược lại, đông lạnh giúp khóa các chất dinh dưỡng trong thực phẩm, tránh thất thoát.

Hãy thử làm một phép so sánh đơn giản: Giữa những loại rau trái sau, cái nào nhiều dinh dưỡng nhất? Loại vườn nhà trồng được; Loại mua ở chợ/siêu thị về để tủ lạnh và nấu ăn dần; Loại đóng hộp; Loại đông lạnh?

Câu trả lời có thể làm nhiều người ngạc nhiên: Rau trái tươi khi vừa hái trên cây xuống là còn nguyên 100% thành phần dinh dưỡng. Còn nếu phải vận chuyển đến tay người tiêu dùng, trong điều kiện bảo quản không tốt, rồi lại để một thời gian trong nhà ở nhiệt độ phòng hoặc tủ lạnh, sau đó mới qua quá trình chế biến thì lượng dinh dưỡng đã mất đi kha khá. Ngược lại, nếu thực hiện đúng quy trình, thực phẩm đóng hộp và đông lạnh được làm từ nguồn nguyên liệu cực tươi ngon, vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ và thời gian bảo đảm, quá trình chế biến và bảo quản đúng cách thì lượng dinh dưỡng còn cao hơn thực phẩm tươi.

Đa số đồ hộp vẫn giữ được rất nhiều chất dinh dưỡng, trong đó có chất đạm, vitamin A-D và riboflavin. Quá trình tăng nhiệt độ khi chế biến đồ hộp có thể làm mất vitamin B1 và C trong rau, song cái này cũng chỉ tương tự khi ta xào nấu ở nhà. Riêng trái cây vì không qua chế biến nên vẫn giữ nguyên dinh dưỡng, kể cả vitamin C. Đặc biệt cà chua qua chế biến (đóng hộp hoặc nấu kỹ) tốt hơn cà chua sống.

Trong khi đó đồ tươi đông lạnh thì được sơ chế nhanh và cấp đông ngay, dẫn đến lượng dinh dưỡng mất đi không đáng kể so với ban đầu. Tương tự, việc cấp đông thức ăn sau khi nấu cho bé ở nhà cũng giúp chất dinh dưỡng không tiếp tục thất thoát.

Như vậy trừ khi mọi thứ đều ăn lập tức sau khi giết mổ, hái, tại nguồn đảm bảo, một điều không dễ thực hiện, các trường hợp khác chưa chắc đồ tươi đã bổ hơn đồ hộp và đồ đông lạnh.

Một số ưu điểm khác của đồ hộp và đồ đông lạnh:

–        Tiện lợi, dễ sử dụng.

–        Lợi thế vượt trội về chất lượng và giá cả khi rau quả là loại trái mùa, khan hiếm hoặc nhập khẩu.

–        Thịt cá khi cấp đông ở nhiệt độ -18oC trong một thời gian nhất định, rất nhiều vi sinh vật, trong đó có toxoplasmosis (đã nói kỹ ở phần chế độ ăn uống khi mang thai) bị tê liệt. Đó cũng là lý do vì sao tất cả các loại thịt ở các nước phát triển đều được cấp đông trong vòng 24-48h trước khi rã đông và mang ra bán cho người tiêu dùng.

–        Riêng đồ hộp cho trẻ em còn được kiểm soát nghiêm ngặt về thuốc trừ sâu, nitrat, hócmôn, kháng sinh… Thành phần dinh dưỡng cân đối.

Nhược điểm chính của thực phẩm đóng hộp và đông lạnh, ngoài chuyện đắt hơn so với rau trái đúng mùa, là chúng thường chứa nhiều đường, muối và mùi vị bị biến đổi. Muối, đường có thể tránh được bằng cách đọc kỹ thành phần trên bao bì, còn mùi vị thì thực ra không phải vấn đề quá lớn, chủ yếu là thói quen chứ 100% thịt bên này đều đông lạnh mà ăn vẫn thấy bình thường. Có lẽ ở VN có cả loại tươi mới giết nên dễ phân biệt hơn chăng?

Tóm lại, nếu có thịt cá tươi sống, rau quả đúng mùa, chín cây, nguồn gốc rõ ràng, an toàn, chế biến và ăn lập tức là tốt nhất. Ngược lại nếu một trong các điều kiện trên không đảm bảo thì đồ hộp và đồ đông lạnh không phải chọn lựa tồi cả về chất lượng dinh dưỡng, tính an toàn và giá thành.

Các lưu ý khi chọn đồ hộp cho bé:

–        Nên chọn hộp bằng thủy tinh hoặc nhựa an toàn thay vì hộp kim loại, do trong lớp tráng của hộp kim loại luôn có một lượng BPA nhất định.

–        Hộp còn nguyên vẹn, không rỉ sét, méo mó. Riêng hộp thủy tinh đựng thức ăn nghiền cho bé phải kêu “pop” khi mở.

–        Luôn đọc kỹ hạn dùng và thành phần ghi trên vỏ hộp. Các nguyên liệu luôn được ghi theo thứ tự từ số lượng nhiều đến ít trong sản phẩm đó. Tránh các loại chứa muối, đường (xem phần 1), chất bảo quản và các chất làm đặc, làm dày không cần thiết như bột ngô, bột năng, bột khoai tây hay trứng, sữa.

–        Chọn hộp thức ăn riêng lẻ (thịt/rau/trái cây) thay vì các thứ trộn lẫn.

3.      Chế độ dinh dưỡng tốt phải ít thịt, nhiều cá, ít béo, ít tinh bột, nhiều chất xơ

Quan niệm này đúng, nhưng là với người trưởng thành, nhất là người có nhiều nguy cơ về sức khỏe như tim mạch, tiểu đường, huyết áp; hoặc người cần giảm cân. Hoàn toàn không đúng với các giai đoạn phát triển mạnh của cơ thể như trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai. Bé dưới 2 tuổi cần nhiều năng lượng để lớn lên nên các chất đạm, béo, bột đường rất quan trọng. Trong khi đó, chất xơ nên hạn chế vì bé chưa tiêu hóa được tốt chất này.

Chế độ ăn đúng của bé phải đầy đủ 6 nhóm thực phẩm sau:

–        Nhóm 1: Thịt, cá, trứng, sữa, đậu, phủ tạng động vật, jambon… cung cấp chất đạm, chất béo động vật, chất sắt, phốt pho, vitamin A và B12.

–        Nhóm 2: Ngũ cốc, khoai tây, các loại đậu khô cung cấp đạm thực vật, phốt pho và chất bột đường.

–        Nhóm 3: Rau và trái cây tươi cung cấp đạm thực vật, đường thực vật, vitamin C và khoáng chất như sắt, sodium, potassium.

–        Nhóm 4: Chất béo cung cấp lipid và vitamin A,D. Nên ưu tiên chất béo chưa bão hòa từ thực vật (dầu TV), hạn chế chất béo bão hòa từ động vật (mỡ, bơ, kem tươi…)

Ngoài 4 nhóm quen thuộc trên còn 2 nhóm nữa cũng hết sức quan trọng:

–        Nhóm 5: Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phomát cung cấp chất đạm, chất béo động vật, canxi, phốt pho, các vitamin A,D và B2.

–        Nhóm 6: Đồ ngọt (bánh kẹo, mứt, sôcôla, mật ong …) cung cấp chất đường. Tuy nhiên, trẻ nhỏ nên sử dụng hạn chế, tránh lạm dụng.

Một số hiểu lầm thường gặp về nhu cầu dinh dưỡng của bé khi cho ăn dặm:

–        Trong năm tuổi đầu tiên, chất béo vô cùng quan trọng. 50% năng lượng của trẻ được lấy từ chất béo (50% sữa mẹ là chất béo). Các acid béo có nhiều trong cá hồi, cá trích, dầu hướng dương … rất cần thiết cho sự phát triển của não và mắt. Chất béo cũng là môi trường hấp thụ vitamin A,D,E,K. Vì thế không nên chọn các sản phẩm ít béo như sữa tách kem cho trẻ. Ngược lại, cần hạn chế chất béo động vật như da, mỡ. Từ 5 tuổi, trẻ em bắt đầu hướng đến khẩu phần của người lớn. Trong đó, chất béo không được chiếm nhiều hơn 30% năng lượng ăn vào.

–        Ai cũng biết chất đạm rất quan trọng trong việc duy trì và sửa chữa các mô trong cơ thể, giúp bé lớn lên. Thiếu đạm còn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, mọi người thường mắc phải sai lầm là cho con ăn quá nhiều đạm. Nên nhớ, con người chỉ cần tối thiểu 1g đạm = 5g thịt cá/kg cân nặng mỗi ngày. Nghĩa là nếu bé nặng 10kg thì mỗi ngày cần khoảng 10g đạm, tương đương với 50g thịt cá. Trong sữa và các sản phẩm từ sữa cũng có một lượng đạm kha khá, nên nếu bé uống đủ sữa thì việc bé ăn thịt cá hàng ngày thực ra chỉ để bổ sung thêm. Thậm chí bé hoàn toàn không ăn thịt cá thì nhu cầu hàng ngày về đạm của bé vẫn có thể được đáp ứng đủ. Ví dụ:  Bé 1 tuổi hoàn toàn đủ đạm nếu trong ngày ăn được khoảng 600ml sữa + 2 lát bánh mỳ nguyên cám; hoặc 500ml sữa + 30g phomát cứng. Như vậy, hầu như không bao giờ sợ bé thiếu đạm.

Nhiều người cho rằng phải cho trẻ ăn nhiều mới tốt. Song thực ra không bao giờ nên cho bé ăn quá thừa dinh dưỡng, vì sự hấp thụ dinh dưỡng vô độ trong thời kỳ phát triển để trưởng thành sẽ gây thừa cân, béo phì, làm cho tế bào miễn dịch phát triển quá sớm. Hậu quả là đến tuổi trung niên sức miễn dịch của tế bào nhanh chóng suy thoái, công năng của các bộ phận đều giảm mạnh.

–        Về các loại rau quả với trẻ em dưới 1 tuổi cũng hết sức cần thiết, song nên hạn chế chất xơ vì cơ thể bé chưa tiêu hóa tốt. Đây cũng là một trong những lí do vì sao trẻ càng nhỏ càng nên ăn củ quả, chúng dễ tiêu hơn là rau xanh nhiều xơ. Chính vì thế theo hướng dẫn của Canada, bé nên bắt đầu với khoai lang, bí đỏ, càrốt, đậu cove. Tiếp đến mới là súp lơ xanh/vàng, ngô; và sau 9 tháng mới ăn các loại rau nhiều lá như rau chân vịt, bắp cải, hành tây, cần tây.

Trở lại phương pháp ăn dặm kiểu Canada, giống như người lớn, trẻ con phương Tây được cho ăn theo đúng khẩu phần tùy theo độ tuổi. Tuy nhiên, với tư tưởng “cá nhân hóa” đậm nét, lượng này không cứng nhắc mà dao động trong một khoảng đối đa và tối thiểu, tùy theo cân nặng và nhu cầu riêng của trẻ. So với PP ADKN, trẻ em Canada ăn nhiều rau, trái cây, các sản phẩm sữa và ăn ít tinh bột hơn. Trong khi đó, lượng đạm xấp xỉ nhau, nếu không muốn nói là người Nhật ăn ở mức nhiều của Canada. Cụ thể ra sao HA sẽ nói kỹ hơn ở phân mục ăn dặm từng giai đoạn.

Về nguyên tắc, trong 6 tháng tập ăn dặm, cái người Canada quan tâm nhất là phải luôn đảm bảo lượng sữa tối thiểu cho bé, vì đó mới là nguồn dinh dưỡng chính. Còn việc ăn dặm thì quan trọng là tính cân đối giữa các nhóm thực phẩm chứ không hẳn là phải ăn được chính xác mỗi thứ bao nhiêu. Mọi hướng dẫn về khẩu phần chỉ mang tính tương đối, cái cần tuân theo là thái độ của bé và đường phát triển cân nặng. Trẻ con từ ngày sinh ra đã tự biết mình thích ăn cái gì và cần ăn bao nhiêu, cho nên nếu bé từ chối thì tuyệt đối không được ép. Nếu biểu đồ tăng trưởng của bé phát triển phù hợp với cân nặng và chiều cao khi sinh thì không có gì đáng lo ngại cả.

4.      Ăn đồ Tây dễ gây béo phì, tiểu đường, tim mạch

Nói đến đồ Tây, mọi người sẽ nghĩ ngay đến một chế độ ăn toàn những thứ “không tốt”: thành phần “không tốt” như bơ, sữa, phomát, thịt đỏ, đồ nguội, ít rau quả; phương thức chế biến “không tốt” nhiều nướng, hầm; chuộng đồ ăn nhanh; đồ hộp, đồ đông lạnh … Những suy nghĩ trên có phần mang tính đồn thổi, truyền tai, rồi dần thành định kiến. Sự thực không hẳn như vậy.

Ai cũng biết trong sự phát triển thể lực và trí tuệ của con người, gene chỉ chiếm khoảng 50%, một nửa còn lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có dinh dưỡng. Vậy nếu thực sự người Tây ăn uống phản KH như thế thì tuổi thọ của họ khó lòng ở mức cao nhất thế giới và ngày càng tăng lên, họ không thể có sức vóc và trí tuệ vượt trội như vậy (ngoài yếu tố y tế và điều kiện sống tiên tiến)?

Sống ở nước ngoài HA mới thấy rõ ràng có rất nhiều điều mình hiểu sai về họ:

–        Người phương Tây hiện nay rất biết quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Họ ăn uống rất khoa học, thành phần dinh dưỡng hài hòa, định lượng, định tính đều rõ ràng, không có thói quen mặc định thái quá kiểu “thịt xấu, rau cá tốt” hay ngược lại và hùng hục làm theo. Tất nhiên có một nhóm người, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên thích ăn fastfood, ghét rau quả, nhất là ở Mỹ. Tuy nhiên đây cũng là hiện tượng phổ biến ở những nước phát triển, khi mà vật chất thừa mứa, thời gian hạn hẹp. VN cũng đang trong giai đoạn đó: 11% trẻ em ở HN và 20% trẻ em ở SG bị béo phì.

–        Người Tây đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm: Cá nuôi ở đâu, có ô nhiễm không? Thịt có tồn dư kháng sinh? Rau củ nhập từ nước nào? Nhờ thế thức ăn đến tay người tiêu dùng luôn trong điều kiện an toàn, bảo đảm nhất. HA từng thấy ở Pháp trái cây nhập từ Ý hay Tây Ban Nha bao giờ cũng rẻ hơn của Pháp, chỉ đơn giản vì người Pháp tin đồ của mình hơn.

–        Những thứ thuộc về thói quen ẩm thực của họ, người Việt mình nghĩ là không tốt nhưng thực ra không phải. Đồ ăn của Tây bổ và dễ hấp thụ hơn của mình.

Ví dụ: Người Tây hay làm món nướng nhưng đúng ra là đút lò, thức ăn chín bằng sức nóng chứ không phải nướng cháy xém trên lửa. Ngoài xà lách ra, đa số các loại rau củ quả họ thường xuyên ăn sống (kể cả càrốt, cần tây, củ cải, súp lơ…) hoặc hấp/luộc chín chứ hiếm khi xào nấu. Họ ăn cả vỏ nhiều thứ như lê, táo, thậm chí là khoai tây. Người Tây ăn rất nhạt, ít gia vị, thích các món chín kỹ an toàn và hầm mềm dễ tiêu hóa. Thịt cá không bao giờ ăn da, mỡ, chỉ ăn nạc thăn. Xương và phủ tạng động vật rất ít có trong thực đơn. Người Tây cũng thường ăn đa dạng thực phẩm. Riêng ngũ cốc có đến 5-7 loại chứ không chỉ ăn quanh đi quẩn lại một thứ là gạo như mình; chưa kể trong đó rất nhiều loại nguyên cám hoặc được bổ sung thêm vitamin và khoáng chất khiến chúng trở nên bổ và dễ hấp thụ hơn. Các thức ăn thường xuyên của họ như trứng, sữa, phomát và cả thịt đỏ theo nghiên cứu mới nhất hiện nay đều là những thứ rất tốt và an toàn cho sức khỏe nếu ăn đúng lượng quy định. Các thức ăn này cũng đặc biệt tốt cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ nhỏ.

Như vậy, không phải cứ cho con ăn theo kiểu Tây là không tốt. Cái chính cần tìm hiểu xem thực phẩm nào có tác dụng gì và cho bé ăn uống một cách điều độ, khoa học. Như vậy sẽ có thể tạo điều kiện phát triển tối ưu cho trẻ.

5.      Bảo quản thức ăn : « Thức ăn nóng phải để nguội mới cho vào tủ lạnh nếu không sẽ hỏng tủ… » 

Việc bảo quản thức ăn có nhiều thực tế mà khi mang thai Chíp có dịp nói chuyện với BS dinh dưỡng HA mới biết. Trước đây vẫn biết thức ăn để trong tủ lạnh hoặc tủ đá là an toàn nhất, song không hiểu rằng chỉ cần để thức ăn ở ngoài một thời gian ngắn, thậm chí thức ăn chín còn ấm nóng đã là không an toàn. Ngay cả để trong tủ lạnh và tủ đá thì mỗi loại thức ăn đều có thời gian bảo quản khác nhau. Hay như việc thức ăn không cần phải thay đổi mùi, vị mới là hỏng. Thức ăn nếu nhiễm vi khuẩn Salmonella hoặc E.coli tuy không có dấu hiệu gì lạ vẫn có thể gây ngộ độc chết người.

Khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ nhỏ, vấn đề an toàn phải đặt lên hàng đầu. Sau đây là một số điều quan trọng cần biết trong việc bảo quản thức ăn:

–        Đa số các vi khuẩn chết ở 74oC ; nhưng phải là bên trong thức ăn chỗ sâu nhất đạt nhiệt độ này chứ không phải bên ngoài. Như vậy, để diệt khuẩn, nhiệt độ thức ăn phải trên 74oC, tốt nhất là đun sôi ở 100oC. Nên có nhiệt kế để đo nhiệt độ bên trong.

–        Vi khuẩn sinh sôi mạnh nhất trong khoảng 4oC-60oC (nhiệt độ cơ thể khoảng 37oC, chính giữa khoảng này !!!), trong đó 0oC-4oC là nhiệt độ tủ lạnh.Thức ăn để tổng cộng trên 1h trong khoảng nhiệt độ trên thì phải nấu lại hoặc vứt đi. Việc đun lại chỉ làm 1 lần duy nhất, sau đó không sử dụng thì phải bỏ chứ không được đun lại lần thứ 2.

–        Dưới 4oC hoặc trên 60oC, vi khuẩn vẫn phát triển nhưng rất chậm. Vì thế thức ăn để trong tủ lạnh lâu cũng sẽ hỏng. Tương tự, thức ăn dù ấm nóng (khoảng 60oC) vẫn  nguy hiểm.

–        Từ 0oC đến -12oC, nhiệt độ tủ đá, đa vi khuẩn không sinh sôi được, song cũng không bị giết hẳn, sẽ lại phát triển nếu để tan đá.

Vậy thì nguyên tắc chính để đảm bảo an toàn là « Giữ thức ăn nóng nóng hẳn và giữ thức ăn lạnh lạnh hẳn » (« Keep cold foods cold & Keep hot foods hot »). Cụ thể :

–        Thức ăn lạnh phải để vào tủ lạnh hoặc tủ đá ;

–        Thức ăn nóng không để tụt xuống dưới 60oC. Cố gắng cất thức ăn nấu chín trong tủ lạnh hoặc tủ đá càng sớm càng tốt. Đồ ăn của bé sau khi nấu xong phải xay ngay lập tức, sau đó cho vào khay đá, bọc nilon và để vào tủ lạnh luôn khi còn nóng. Đồ nóng không làm hại tủ lạnh ; ngược lại đồ nguội làm hại người.

–        Cách duy nhất làm nóng thức ăn an toàn là đun sôi lại ;

–        Thức ăn sống hoặc chín chỉ được để ở nhiệt độ thường tổng cộng tối đa 1h, sau đó phải cho vào tủ lạnh hoặc tủ đá. Khoảng thời gian này thực sự không nhiều, đa phần chúng ta không đảm bảo. Lấy một ví dụ đơn giản thế này : Mọi người đi siêu thị mua thịt nấu cháo cho con. Thời gian thịt ở nhiệt độ thường được tính như sau : Từ khi rời quầy lạnh đến khi tính tiền xong mất 15p ; đi về nhà mất thêm 15p nữa ; sơ chế mất 15p ; tổng cộng đã là 45p. Như vậy trong vòng 15p tiếp theo nhất định phải đun sôi thịt hoặc cho vào tủ lạnh. Nếu không hoàn toàn không đảm bảo.

Như vậy, theo các nguyên tắc bảo quản thực phẩm nói trên, việc mua thức ăn ngoài chợ ở VN không hề an toàn. Không thể gọi là « tươi » dù giết mổ trong ngày vì thịt bị để ở nhiệt độ thường 4-5h hoặc hơn trước khi đến tay người mua. Cộng với khí hậu nóng ẩm, hằng hà sa số các vi khuẩn tha hồ phát triển. Thực sự là vô cùng nguy hiểm !!! Dù thịt có thể không có mùi vị lạ, nhưng chúng vẫn có thể nhiễm E.Coli hoặc Salmonella, chả thế mà rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra nhan nhản.

Thức ăn cho mọi người nói chung và cho em bé nói riêng, tốt nhất nên mua ở siêu thị, dù có không an toàn 100% thì ít ra cũng đỡ hơn mua ở chợ, không chỉ về điều kiện bảo quản mà còn về nguồn gốc xuất xứ và các yếu tố vệ sinh khác.

6.      Tuổi nào ăn gì?

–        Uống nước lọc: 6 tháng đầu tiên, trẻ chỉ cần bú mẹ mà thôi, không cần thêm bất kỳ loại thức ăn, nước uống nào khác kể cả nước lọc trừ khi trời rất nóng bức. Thành phần sữa mẹ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bé: nước đầu rất loãng, chủ yếu để giải khát, càng về sau càng đặc nhiều dinh dưỡng. Trẻ bú bình có thể thỉnh thoảng cho uống thêm nước lọc. Sau 6 tháng, khi trẻ bắt đầu ăn dặm, nên cho trẻ uống nước thỏa thích sau bữa ăn.

–        Uống nước trái cây: Người VN thường cho bé uống nước cam từ khi 4-5 tháng tuổi. Đây là một thói quen hết sức sai lầm. Theo khuyến cáo mới nhất của Hiệp hội bác sĩ nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), không nên cho trẻ em dưới 7 tháng tuổi uống nước trái cây, tốt nhất chỉ nên bắt đầu sau 9 tháng tuổi hoặc thậm chí muộn hơn.

Nước trái cây không bổ và cần thiết như mọi người vẫn nghĩ. Ngược lại, uống nhiều nước trái có nhiều điều bất lợi cho sự phát triển của bé. Thứ nhất, dạ dày bé chỉ chứa một lượng nhất định. Việc uống nước trái cây sẽ làm giảm lượng sữa và thức ăn lành mạnh tiêu thụ, về lâu dài có thể khiến bé lười ăn, dẫn đến thiếu dinh dưỡng. Thứ hai, lượng vitamin và chất xơ trong nước trái cây không nhiều bằng ăn cả quả. Thứ ba, nước trái cây nguyên chất rất nhiều đường dễ gây sâu răng, thậm chí là béo phì.

Như vậy, tốt nhất nên hạn chế cho trẻ uống nước trái cây, thay vào đó là ăn quả xay. Nếu uống nên đợi sau 9 tháng hoặc 1 năm. Bắt đầu bằng nước lê, táo, nho, dứa, mận. Nước cam nhất định phải sau 9 tháng vì loại nước này dễ gây kích ứng dạ dày của bé. Trẻ dưới 1 tuổi chỉ được uống nhiều nhất 100ml nước trái cây/ngày. Để tránh sâu răng, không cho trẻ uống nước trái cây nguyên chất mà phải pha loãng ít nhất với 50% nước lọc, pha như thế càng lâu càng tốt. Nên cho trẻ uống bằng cốc chứ tuyệt đối không uống bằng bình, cốc mỏ vịt hoặc pha vào sữa. Tương tự, cai bình khi trẻ được 1 tuổi để phòng ngừa sâu răng.

–        Uống sữa tươi thay sữa bột : Sữa bò tươi tiệt trùng, theo khuyến cáo của Canada, phải sau 1 tuổi mới cho uống. Trước đó bé phải bú mẹ hoặc sữa công thức. Lí do là sữa tươi dù nguyên kem vẫn chứa quá nhiều đạm, muối trong khi đó không đủ sắt, vitamin E và các acid béo quan trọng cho sự phát triển của bé. Nếu được, nên tiếp tục cho bé uống sữa bột dành cho trẻ em đến 2-3 tuổi. Sau 1 tuổi, bé có thể uống sữa tươi nguyên kem, nhưng không được quá 500ml một ngày, nếu không trẻ có nguy cơ thiếu máu do không ăn đủ các thực phẩm lành mạnh khác.

–        Cho bé ăn tôm cua, trứng cả quả, cà chua, rau bina, sữa chua, phomát, dầu ăn từ 6-7 tháng tuổi:

Người châu Á nói chung ít quan tâm đến vấn đề dị ứng thực phẩm, một phần vì có vẻ cơ địa của ta ít bị hơn Tây. Tuy nhiên, “cẩn tắc vô áy náy”, theo HA vẫn nên áp dụng một số biện pháp phòng vệ cho trẻ bằng cách cho ăn từng thứ một trong vài ngày trước khi chuyển sang thức ăn mới và ăn thức ăn phù hợp với độ tuổi của bé. Như vậy đảm bảo bé tiêu hóa tốt nhất, tránh các vấn đề dị ứng nghiêm trọng về sau.

Người VN thường cho ăn hải sản và lòng trắng trứng từ rất sớm, nhưng theo hướng dẫn mới nhất của Canada, các thứ trên phải đợi đến 1 tuổi mới cho ăn để tránh phát sinh dị ứng khi lớn lên. Riêng rau chân vịt (còn gọi là spinach, épinard hay bina) và củ cải ít nhất sau 9 tháng mới được ăn vì các loại này chứa nhiều nitrat không tốt cho bé. Tương tự, càrốt được ăn đầu tiên song nước luộc càrốt phải vứt bỏ vì chứa nhiều nitrat. Các loại quả chua như cam quýt và cà chua hay kích ứng dạ dày nên cũng phải đợi sau 9 tháng. Các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phomát và cả dầu mỡ chỉ cần bổ sung từ 9 tháng tuổi trở đi chứ không phải trước đó.

Một số thức ăn thường bị cho ăn quá sớm:

–        Sau 9 tháng: mỳ, bánh mỳ, bánh gạo, bánh quy ăn dặm, bắp cải, quả dưa, nho, dâu, cam, quýt, bưởi, đậu phụ, đậu xanh, các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phomát …

–        Sau 1 tuổi: thịt nguội; thủy hải sản (cá biển sâu như chim, thu, nục; tôm, cua, ghẹ, mực, sò …) trừ một số loại cá; các loại nấm; dưa chuột; xà lách; quả kiwi; cranberry; đậu phộng; lòng trắng trứng (7 tháng tuổi mới được ăn trứng mà chỉ ăn lòng đỏ, trứng nguyên quả đợi sau 1 tuổi); đồ ngọt  như bánh kẹo, kem, chè, các loại sữa chua có đường và trái cây …

Thế mới có chuyện vui vui là trong sinh nhật đầu tiên, bao giờ các bé bên này cũng được bố mẹ chuẩn bị cho một cái bánh kem nhỏ (cupcake). Các bé tha hồ chọc ngoáy, bôi, trét và đương nhiên là măm măm nữa. Trong bánh có đường, lòng trắng trứng, kem tươi … mà trước 1 tuổi trẻ không được ăn. Bữa ăn này cũng đánh dấu bé đã thực sự trưởng thành, từ nay được ăn hoàn toàn giống người lớn!

–        Rơ lưỡi bằng mật ong : Tuyệt đối không cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong vì trong mật ong dù có tiệt trùng hay không vẫn có thể chứa bào tử khuẩn dồi (botulism). Khi vào trong ruột trẻ nhỏ có thể gây ngộ độc. Nguy hiểm ở chỗ dù đây là bệnh hiếm gặp nhưng thường gây tử vong. Vì vậy ngoài việc không cho trẻ ăn mật ong trực tiếp, mọi người cần cẩn thận xem kỹ trong các món ăn xem có mật ong hay không.

10 thoughts on “Một số hiểu lầm thường gặp

  1. HA viết chi tiết, khoa học, hay và dễ đọc quá. Chị toàn in ra để về nghiền ngẫm nữa. Cảm ơn mẹ Chíp nhiều nhiều về những chia sẻ cực kỳ hữu ích này nhé.

  2. Trong ăn dặm kiểu Nhật 5-6 th đã cho ăn đậu hũ, rau bina, bắp cải, cá lóc, lòng đỏ trứng, sữa chua. Toàn những thứ chị cho là ăn sớm. Một số tài liệu khác nói rằng 6th là đã ăn đc trái cây, sữa chua. 4-5th uống đc nước cam. Vậy như thế nào là đúng?

    • Moi dat nuoc, moi van hoa co mot cach thuc khac nhau. Dieu nay mot phan dua tren thoi quen, va dan dan duoc kiem chung boi khoa hoc. Minh gioi thieu huong dan moi nhat hien nay cua Canada pho bien toan dan, tren co so cac nghien cuu duoc kiem chung. Viec tin ai va lam theo cach nao tuy vao moi nguoi ban a. Tuy nhien theo minh ko co gi phai voi vang ca, cho an cac thu cang tu tu be cang de thich nghi, he tieu hoa cang truong thanh thuc an cang duoc hap thu tot 🙂

  3. Bé nhà em từ tháng thứ 3 , 2- 3 ngày mới đi ị 1 lần. Phân cứng. Thế là bị táo bón rồi. Chị có kinh nghiệm gì để khắc phục không? Chỉ cho em với.

    Em cảm ơn chị.

    • Neu be chi bu me thi kha nang tao bon la rat it. Thuong den khi an dam moi bat dau co the bi tao bon. Moi nguoi ko hieu nen nhieu khi nghi i it la tao bon, thuc ra ko phai. Minh ban dau cung rat ngac nhien khi BS ben nay bao tre con duoi 6 thang co khi 1 tuan di i 1 lan van la binh thuong neu phan ko qua cung, be ko phai ran vat va …Ban xem lai truong hop cua minh nhe!

Leave a comment